Ông " Hai Lúa " chế tạo máy quét lá cao su
Đến khu phố Phú Thịnh, xã Phú Riềng, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước hỏi ông Nguyễn Hữu Năm, ít người biết nhưng hỏi “cụ ông quét lá cao-su” ai cũng biết.Ông Năm chỉ về nhà lúc chập tối, mờ sáng lại vào khu rẫy rộng hơn 30 ha cao-su và vườn cây ăn trái sum suê ở thôn 3, xã Long Tân, huyện Bù Gia Mập. Ở đây nhiều người trồng cao-su nhưng người biết chế chiếc máy quét lá cao-su chỉ duy nhất có mình “Hai Lúa” Nguyễn Hữu Năm.
Là một trong những nông dân có thành tích sản xuất giỏi nhất ở Bình Phước hơn 10 năm nay, ông Năm nhiều lần đi báo cáo điển hình toàn quốc. Thu nhập từ vườn cây ăn trái và cao-su của ông bình quân mỗi năm vài tỉ đồng. Trang trại hơn 30 ha cao-su của ông Năm vào loại đẹp nhất khu vực, bởi ông có kĩ thuật trồng, chọn giống và chăm sóc rất tốt. Hiện ông quản lí hơn 10 công nhân nông nghiệp trong trang trại của mình. Biết tin ông Năm sản xuất thành công máy quét lá cao-su đầu tiên ở Bình Phước và khu vực Đông Nam Bộ từ lâu, nhưng phải qua nhiều lần hẹn chúng tôi mới được “diện kiến” và nghe ông kể về sự hình thành ý tưởng chế tạo máy quét lá cao-su.
Xuất thân từ một công nhân cạo mủ cao-su, ông đã nếm trải đủ khắc nghiệt của thiên nhiên. Vào mùa khô, hàng trăm nghìn héc-ta cao-su của các nông lâm trường và các hộ nông dân tiểu điền đứng trước nguy cơ bị cháy. Nếu không có biện pháp kịp thời thì toàn bộ công sức, của cải đổ xuống sông xuống biển. Nếu một công nhân quét lá bằng máy cắt cỏ thì chỉ được vài sào một ngày, đã thế máy rung làm nhức mỏi cơ bắp nên không ai có thể quét quá một tuần. Trăn trở mãi, ông Năm quyết tâm sản xuất máy quét lá cao-su. Mọi việc bắt đầu từ năm 1995, khi ông Năm mua một máy tuốt lúa nương trị giá 15 triệu đồng.
Ông Nguyễn Hữu Năm chế tạo chiếc máy quét lá cao su
Theo ông Năm, cốt lõi của vấn đề là phải cải tiến cánh quạt tạo ra những luồng gió nhất định. Ông tháo rời từng bộ phận để nghiên cứu và cho thay thế bằng một trục lớn có gắn các cánh quạt được che kín, thành một góc vuông tạo gió. Chiếc máy quét lá cao-su của ông gồm hai bộ phận: Máy kéo truyền lực và quạt gió. Bộ phận kéo và truyền lực lấy từ chiếc máy cày. Còn bộ phận quạt gió gắn với trục quay của máy cày nhưng qua một hộp số để thay đổi vận tốc của cánh quạt theo ý muốn. Khi vận hành máy cày chạy dọc theo các lô cao-su truyền chuyển động cho bộ phận cánh quạt, tạo sức gió phía sau đẩy lá cao-su gọn thành từng lớp như có người xếp.
Lúc đầu, do bị ma sát lớn nên máy rất nóng, sau ông Năm cải tiến lại bằng một hệ thống bôi trơn, máy hoạt động hiệu quả hơn. Một công nhân một ngày sử dụng máy 8 tiếng có thể quét sạch từ 8 đến 10 ha cao-su, hao tốn 10 lít dầu, tiết kiệm và hiệu quả hơn nhiều so với dùng máy cắt cỏ để quét. Nếu một nông trường có 1.000 ha cao-su, chỉ cần 5 công nhân với 5 máy quét lá giải quyết trong vài tuần lễ là xong vừa sạch sẽ vừa an toàn. Vào thời vụ, ông thường đi quét mướn cho các hộ nông dân tiểu điền trong khu vực, vừa nhanh chóng, vừa rẻ mà vườn cây sạch.
Được tin ông Nguyễn Hữu Năm chế tạo thành công máy quét lá cao-su, Phòng Nông nghiệp huyện cử cán bộ về tham quan nghiên cứu và đề nghị ông đăng kí bản quyền, nhưng ông từ chối bởi các thủ tục hành chính rườm rà mất rất nhiều thời gian. “Một lão nông như tôi làm ra cỗ máy chủ yếu từ kinh nghiệm chứ bảo viết một báo cáo sáng kiến khoa học thì tôi chịu”, ông Năm phân bua.
Máy bay “Hai lúa” xuất ngoại
Sau tác phẩm của ông " hai lúa " Nguyễn Hữu Năm là tác phẩm của một " hai lúa " khác là ông Trần Quốc Hải,cách đây 10 năm trước, tên tuổi ông Trần Quốc Hải (ngụ Suối Dây, Tân Châu, Tây Ninh) nổi như cồn với những chiếc máy bay trực thăng mang thương hiệu “Hai lúa”. Không bay được ở trong nước nhưng những chiếc trực thăng đó đã được xuất khẩu sang Mỹ, Hàn Quốc .
Ước mơ chế tạo máy bay trực thăng để bay trên vùng rẫy bón phân như ngành nông nghiệp Mỹ đã thực hiện, ông Hải dành nhiều thời gian tìm tòi, học hỏi quy trình vận hành, nguyên tắc hoạt động của máy bay.Sau một thời gian dài nghiên cứu, năm 2003 ông chế tạo chiếc máy bay trực thăng đầu tiên.
Năm 2005 chiếc máy bay thứ hai ra đời, cải tiến, hiện đại hơn chiếc trước mà giá thành chỉ bằng... một chiếc ôtô. Ông đã cùng cộng sự đưa máy bay ra đồng bay thử. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng kết luận máy bay “không thể bay được”.
Xuất khẩu máy bay
Việc một nông dân chế tạo máy bay bằng phương pháp thủ công đã được một số tổ chức khoa học kỹ thuật trên thế giới ghi nhận. Họ đã liên hệ để đưa chiếc “trực thăng ông Hải” đi chu du, triển lãm ở nhiều nước, từ Mỹ, Đức, Nhật đến Hàn Quốc, Singapore, Úc... và công nhận ông là “kỹ sư - nhà nông”.
Ông Hải cho biết đã bán chiếc trực thăng đầu tiên cho một bảo tàng ở New York (Mỹ), chiếc còn lại Bảo tàng Busan của Hàn Quốc đã mua khi đang triển lãm ở Singapore.
Chúng tôi hỏi: “Bán máy bay được bao nhiêu tiền?”. Ông Hải cười cười không muốn tiết lộ: “Vài trăm ngàn đôla một chiếc. Nhưng toàn bộ số tiền này chúng tôi dùng để chế tạo những máy móc khác”.
Trong một chuyến đi Mỹ, ông Hải đọc được quyển sách trong đó có câu “Hãy biến máy bay, xe tăng thành máy nông nghiệp”. Quyển sách đã làm thay đổi suy nghĩ của ông, từ đó ông quyết tâm chuyển đam mê khoa học sang việc chế tạo máy nông nghiệp.
Trong những chuyến đi và làm việc với các tổ chức khoa học nước ngoài, có nhiều cơ hội ở lại định cư để có điều kiện nghiên cứu khoa học, chế tạo máy bay nhưng ông Hải đã cương quyết trở lại VN để chế tạo máy nông nghiệp.
Ông nói rằng nông dân của mình vẫn chưa được cơ giới nhiều công đoạn, họ vẫn còn dùng sức người vừa chậm vừa tốn kém nên ông muốn giúp đỡ họ cơ giới hóa để tăng năng suất và giảm sức lao động.
“Người nông dân của mình rất chất phác, trong quá trình sản xuất gặp khó khăn gì họ lại kéo đến tôi để hỏi và đây là động lực để tôi tìm tòi sáng tạo ra những máy móc nông nghiệp phục vụ sản xuất. Cũng chính nông dân đã gợi ý cho tôi trong việc chế tạo máy móc với nhiều công dụng khác nhau”- ông Hải hồ hởi.
Từ đơn đặt hàng của nông dân
Theo ông Hải, nông dân hiện nay trồng mì vẫn dựa vào sức người là chính. Với tiền công khoảng 120.000 đồng/người, khoảng 17 người mới trồng hết 1 ha/ngày - tức tốn gần 2 triệu đồng/ha. Nhưng vấn đề ở chỗ tìm nhân công không dễ vì đến mùa vụ nhiều rẫy cần người cùng lúc nên xảy ra tình trạng “giành giật” nhân công. Nhiều người gợi ý ông chế tạo máy trồng mì.
Và chiếc máy đã ra đời đáp ứng nhu cầu của người nông dân. Với máy trồng mì, mỗi ngày cùng với năm nhân công, có thể trồng được 10 ha với chi phí nhân công và xăng dầu chỉ hết 1,5 triệu đồng. Giá mỗi chiếc máy như vậy khoảng 30 - 40 triệu đồng (chưa tính đầu máy kéo). Ngoài máy trồng mì, ông còn sản xuất hàng loạt máy như máy nhổ củ mì, máy làm cỏ, máy bón phân..., cơ giới hóa gần như toàn bộ quy trình trồng mì.
Nhiều nông dân gặp ông than rằng thanh niên không gắn bó với đồng ruộng, bỏ đi làm công nhân dẫn đến thiếu người bốc vác, vận chuyển nông sản. Ông lại mày mò chế tạo chiếc máy sáu bánh chở nông sản có thể chạy trên mọi địa hình, kể cả đồi núi.
Khi người trồng cao su lo lắng mùa khô lá rụng nhiều chỉ cần bất cẩn thì cả vườn cao su bạc tỉ sẽ có nguy cơ cháy. Vườn cao su 5ha phải cần đến 10 người quét gom lá trong một ngày. Với hàng ngàn hecta cao su như hiện nay thì không thể tìm đâu ra người để làm. Nhận được lời đặt hàng, ông suy nghĩ, bắt tay vào chế tạo. Và chiếc máy thổi lá cao su đã ra đời. Chỉ cần một người một máy có thể thổi lá cao su ra khỏi gốc cây và gom lại thành hàng thẳng tắp với công suất 25 ha/ngày.
Chưa hết, nhiều người đặt hàng chế tạo máy tận thu mủ cao su lẫn trong đất cát. Sau một thời gian ngắn, ông đã khiến nhiều nông dân vui mừng khôn xiết khi cho ra đời máy “giặt” mủ cao su. Mỗi giờ máy “giặt” được 800kg mủ. Lợi ích kinh tế ở chỗ: 1kg mủ bẩn giá khoảng 9.000 đồng, sau khi “giặt” sẽ cho ra 0,5kg mủ sạch với giá khoảng 22.000 đồng/kg, giúp nông dân thu lợi hàng tỉ đồng mỗi năm...
Cứ vậy, khi có người đặt hàng ông lại tìm tòi và cho ra đời một loại máy mới. Xưởng máy chỉ với sáu người, trong đó có ông và con trai, nhưng đã chế tạo hàng trăm loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Máy nông nghiệp của ông Hải không chỉ được tiêu thụ trong nước mà đã xuất sang Lào, Campuchia và Thái Lan. “Nhiều người ngoài Hà Nội đến đặt cọc để tôi chế tạo máy đưa sang Lào. Chính phủ Campuchia cũng đặt mua 10 bộ gồm ba máy trồng, làm cỏ và bón phân cho cây mì”- ông Hải cho biết.
Tuy thành công từ “đơn đặt hàng” của nông dân nhưng khi đụng đến “Nhà nước” thì ông Hải không khỏi chạnh lòng. Ông cho biết vừa qua tỉnh Tây Ninh đã đặt hàng ông chế tạo máy nhổ củ mì, thế nhưng hiện máy này đã hoàn tất song thủ tục hành chính lại rất nhiêu khê. Thậm chí, vẫn chưa thấy tỉnh thành lập hội đồng khoa học để nghiệm thu và do vậy tiền tài trợ cho dự án vẫn chưa có. Tương tự, Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Tây Ninh yêu cầu ông chế tạo máy thu hoạch mía và chiếc máy này đang giai đoạn hoàn tất, nhưng vẫn chưa thấy sở này đả động gì đến việc thử nghiệm để hỗ trợ vốn nghiên cứu chế tạo.
Comments
Post a Comment